Virus, HIV và con người….

Virus có từ bao giờ?


Virus là hình thức nhỏ nhất và có lẽ đơn giản nhất của sự sống. Hiện nay, sau những biến đổi ma mãnh của virus AIDS hay HIV) nhiều nhà nghiên cứu đã bắt đầu cho rằng đơn giản nhất là một nhận định hơi quá… vội vã. Dầu sao, virus đơn giản đến nỗi không thể tự tồn tại một mình, vì không đủ khả năng tự sản xuất các chất cần thiết cho phát triển và sinh sản, nên phải xâm nhập vào các tế bào động vật hay thực vật, rồi sử dụng phương tiện của “nạn nhân” để sống còn và nhân lên. Dưới dạng “ăn theo” ký sinh tuyệt đối như vậy, virus thường chỉ xâm nhập một đối tượng nhất định, và gây ra một bệnh nhất định.

Virus đã xuất hiện ít nhất là cùng thời điểm với loài người trên trái đất, và cả hai đã cùng nương nhau mà sống từ hàng triệu năm nay, tuy sự việc có vẻ hơi mâu thuẫn.

Để tồn tại, virus phải xâm nhập cơ thể con người gây ra bệnh, lây truyền từ người này qua người khác, từ năm này qua năm khác… và duy trì chủng loại vượt qua thời gian lẫn không gian. Cho dầu có thành dịch lớn (như cúm vào năm 1917, làm chết hàng triệu người) hay chỉ xuất hiện lác đác, thì vẫn chỉ trong chừng mực nhất định.Vì nếu tiêu diệt loài người tức là virus cũng hết đất sống.

Về phía chúng ta, hệ miễn dịch, tức là bộ phận bảo vệ cơ thể, phải cố gắng ngăn chặn tác hại và sự  lây truyền của virus để duy trì sự hiện diện của con người trên hành tinh.

Như vậy virus và con người tuy luôn đối đầu ác liệt, nhưng vẫn có một sự cộng tồn nào đó. Nếu rất nhiều cá thể đã bị loại trừ, chủng loại vẫn tồn tại, và có lẽ sẽ tồn tại mãi mãi.

Nhưng virus đâu có cần thiết cho con người? Vậy thì con người sẽ tiêu diệt virus chứ?

Không chắc. Vì so với các tác nhân khác thì con người chỉ có thể đối đầu với virus bằng khả năng cơ thể chứ không thể chi viện bên ngoài.

Hiện nay, tất cả các bệnh do virus gây ra đều chưa có thuốc chữa. Do đó phải nói là chính virus đã nhân nhượng cho loài người, để cùng tồn tại, tuy không phải là sống chung hòa bình.

Tại sao lại chưa có thuốc điều trị?

Như đã nói, virus không thể sống một mình, nên phải xâm nhập vào bên trong tế bào, và hòa tan hệ thống thông tinh di truyền vào trong hệ thống của tế bào, để sản xuất ra các nguyên vật liệu cần thiết cho việc tạo thành những virus mới.

Vì virus nằm bên trong tế bào, nên diệt virus tức là… diệt bệnh nhân. Đến năm 1966 vẫn chưa có phương tiện điều trị nào thật sự hữu hiệu đối với những bệnh nhiễm virus, mà chủ yếu chỉ dùng vaccin để ngừa (với bệnh dại, sốt, tê liệt…) hoặc tăng sức đề kháng cho thể để tự chống lại (với cúm, sốt xuất huyết…) Tuy nhiên đó là can thiệp từ bên ngoài, cơ thể cũng có thể hủy diệt virus bằng hệ miễn dịch.

Như thế nào?

Sau khi bị virus tấn công, cơ thể sẽ đối phó bằng ba bước:

– Tế bào bị xâm nhập “phản ứng cấp thời” bằng cách sản xuất interferon – bêta lôi kéo theo sự tổng hợp interferon – alpha từ các bạch cầu.

Các interferon có tác dụng báo động và bảo vệ những tế bào khác, đồng thời khoanh vùng khu vực bị nhiễm, là hành động tự vệ sơ khởi, đối với bất kỳ loại virus nào.

– Đến bước thứ hai, với hệ miễn dịch, là đã có sự chọn lọc từ trong bộ nhớ của “tàng thư lưu trữ”. Lymphô – bào B sẽ sản xuất và đưa ra lưu hành những kháng thể đặc biệt có hình dáng thích hợp, y như khuôn đúc của đối tượng, để úp chụp lên và vô hiệu hóa những virus chưa kịp xâm nhập vào bên trong tế bào.

– Bước sau cùng, là thanh toán các virus đang khống chế tế bào để sản xuất ra hàng loạt virus mới. Đối với các tế bào bị nhiễm virus này, không có cách nào khác hơn là hủy diệt, và lymphô bào T được giao nhiệm vụ dọn sạch đó.

Như vậy hệ miễn dịch của cơ thể , đã lần lượt khoang vùng, giới hạn khu vực bị nhiễm, vô hiệu hóa các virus lưu hành và hủy diệt các tế bào bị virus xâm nhập, một chuối phản ứng đồng bộ, nhịp nhàng và hoàn chỉnh.

Vậy mà virus vẫn tồn tại?

Vì như mọi sinh vật, virus đã thích nghi được với môi trường và có những chiến thuật , chiến lược riêng để vượt thoát ra khỏi ảnh hưởng của cơ thể miễn dịch bằng nhiều khả năng khác nhau.

Như virus bệnh cúm chẳng hạn, có khả năng thay đổi rất dễ dàng nhanh chóng và thường xuyên thay đổi hình thái bao bọc bên ngoài, khiến cho các kháng thể rất khó lòng vô hiệu hóa (bước hai) virus lưu hành. Đến khi xuất hiện những kháng thể đúc khuôn thì bệnh… đã lây qua người khác mất rồi. Chính vì chiến lược “thay đổi hình dạng” đó mà một người có thể bị cúm nhiều lần, do tàng thư lưu trữ cũng thua, không nhận diện ra virus, trong khi ban đỏ (sởi) chỉ bị một lần.

Còn virus AIDS thì sao?

Là diễn viên ngôi sao, nên HIV xuất hiện sau cùng. Xét về mặt virus – học, HIV là loại ít nguy hiểm và tác hại lên tế bào cũng không cao, nhưng cái ác của virus AIDS là tấn công ngay vào ông “tổng chỉ huy” của hệ miễn dịch: lymphô –bào CD4, và tiếp theo đó là một vòng luẩn quẩn chết người.

Khi nhạc trưởng bị tấn công, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng không còn nữa… hệ miễn dịch sẽ suy yếu, và virus phát huy tác hại hệ miễn dịch càng suy yếu, cuối cùng là suy sup hoàn toàn, bỏ ngỏ cơ thể cho đủ mọi tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, ung thư v.v…. dẫn đến tử vong.

Xét về mặt ma mãnh thì HIV là siêu nhất, vì chủ động tấn công thẳng vào ông trưởng ban bảo vệ trong khi các virus khác, với những chiến lược vượt thoát khác nhau, dù sao cũng vẫn còn trong thế bị động. Chưa kể là virus AIDS còn có khả năng tiềm ẩn rất lâu, là điều ít thấy trong bệnh truyền nhiễm nói chung, và đã gây khó khăn cho việc nghiên cứu vaccin.

Vậy thì con người đối phó với HIV như thế nào?

Trước hết, không phải chỉ có một mà là nhiều virus AIDS, nhưng đối với người ngoài giới chuyên môn thì chỉ cần biết HIV, và hiện tại các nghiên cứu đều tập trung vào ba hướng:

– Tìm hiểu kẻ địch, để phát hiện mọi sơ hở để có thể sử dụng trong điều trị.

– Tìm hiểu hệ miễn dịch của ta, để có cách chấn chỉnh bổ sung.

– Nghiên cứu các kỹ thuật, để chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Dẫu sao, trong khi viễn cảnh về điều trị vẫn còn mơ hồ, tuy không thiếu tin tức giật gân trên báo chí hàng ngày về chuyện này, khả năng tìm ra vaccin cũng không mấy sáng sủa. ngay cả trong bước đầu tiên, là đánh giá sự hiệu nghiệm, cũng có lắm vấn đề.

Bởi yêu cầu quan trọng nhất của vaccin là sự hiệu nghiệm, và tiêm vaccin vào người mạnh khỏe để tạo ra kháng thể chống lại bệnh ( nguyên tác của mọi vaccin) thì trong trường hợp AIDS có kháng thể tức là người nhiễm đã trở thành… HIV dương tính, cũng giống như nhiễm HIV, là điều dễ… rét, khiến cho rất khó tìm ra người tham gia thử nghiệm. Còn tiêm vaccin cho người bị nhiễm HIV ( tức là HIV dương tính rồi) với hy vọng ngăn chặn hoặc trì hoãn thời gian phát bệnh, thì chưa đủ sức thuyết phục, vì HIV dương tính tức là cơ thể đã có kháng thể chống HIV, tiêm vaccin vào sẽ thêm được gì?

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là càng nghiên cứu về HIV lại càng thấy phức tạp hơn, đến nỗi có nhà khoa học đã cho rằng virus không phải là hình thái đơn giản nhất của sự sống như con người thường nghĩ

Vậy HIV từ đâu ra?

Đấy là vấn đề còn đang được tích cực nghiên cứu. Qua những tài liệu hiện có, với những quan điểm đối chọi nhau, câu trả lời, vào lúc này, chỉ có thể là HIV chắc chắn đã xuất hiện trước bệnh AIDS khá lâu. Từ bao lâu, ở đâu, tại sao không gây bệnh ngay… thì vẫn chưa ai biết rõ. Dẫu sao, với HIV và AIDS, vẫn còn ít nhất một điều phấn khởi là hiện nay, y học vẫn chưa biết tại sao mắc bệnh ung thư nhưng chúng ta đều biết tại sao lại bị AIDS. Khác với ung thư, AIDS là loại bệnh có thể phòng ngừa được chứ không phải là trời kêu ai nấy dạ.

Để kết luận, do cân bằng sinh hoạt như đã nói ở trên, loài người chắc chắn vẫn tồn tại, chỉ có những con người là sẽ bị HIV xóa sổ. Rất nhiều khả năng đó lại chính là những người vốn thường cho rằng AIDS là chuyện chẳng liên can gì đến mình.