Nối lại ống dẫn tinh sau triệt sản

Triệt sản nam, hay còn gọi là cột ống dẫn tinh, là phương pháp ngừa thai hiệu quả nhất, kinh tế nhất và an toàn nhất. tuy nhiên vì một lý do khách quan nào đó (con chết, lấy vợ mới…), có nhiều người sau một thời gian triệt sản lại muốn có con nữa. Rồi cũng có người, sau khi cột ống dẫn tinh lại rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý, nảy sinh tư tưởng:”Hình như mình không còn là đàn ông, khi khả năng “ truyền giống”  đã chấm hết??”… Nối ống dẫn tinh là phẫu thuật phục hồi lại sự thông thương của ống dẫn, nhằm giúp những người này đạt được nguyện vọng.


1.Tại sao người triệt sản lại không có con nữa?

Tinh trùng được tạo ra tại tinh hoàn. Từ tinh hoàn, tinh trùng chui vào ống dẫn tinh để ra ngoài. Ống dẫn tinh là một ống nhỏ có đường kính cỡ 1,5-2mm, dài khoảng 30-40 cm, chạy từ tinh hoàn qua bẹn (háng), chui vào trong bụng, luồn ra sau bàng quang, nối vào niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra dương vật và ra ngoài). Tại đây, tinh trùng được trộn chung với dịch của túi tinh và tuyến tiền liệt, rồi được phóng xuất ra ngoài. Triệt sản là cắt bỏ đi 1-2 ống dẫn tinh, rồi cột kín lại hai đầu, khiến đường ra của tinh trùng bị triệt , tinh trùng sẽ nằm lại trong tinh hoàn và tự tan đi.

Trong tinh dịch, tinh trùng chỉ chiếm một thể tích rất nhỏ, khoảng 1-2%, phần còn lại là dịch của túi tinh và tuyến tiền liệt. Triệt sản chỉ ngăn không cho tinh trùng ra ngoài chứ không ngăn dịch của túi tinh và tuyến tiến liệt, nên sau triệt sản, lượng tinh dịch xuất ra vẫn như cũ. Triệt sản chẳng làm gì hại tới các tế bào tiết ra testosterone (là chất bảo đảm “nam tính”), nên triệt sản không làm mất hay giảm râu, lông, cũng như khả năng tình dục.

2.Làm sao để nối thông lại hai đầu ống dẫn tinh?

cach de noi ong dan tinh sau triet san - Nối lại ống dẫn tinh sau triệt sản

Đường kính ngoài của ống dẫn tinh là 1,5 – 2mm nhưng lòng ống lại rất nhỏ, chỉ khoảng 0,3 – 0,4mm. Vì thế nối ống dẫn tinh không thể thực hiện bằng mắt thường, mà cần phải được  thực hiện với kỹ thuật vi phẫu thuật, sử dụng kính hiển vi hay kính lúp phẫu thuật có độ phóng đại cao. Chỉ khâu nhỏ hơn sợi tóc và dụng cụ mổ cũng phải vi luôn. Phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân có thể về nhà, đi lại làm việc bình thường.

Sau mổ, đi thử tinh trùng nếu có tinh trùng trong tinh dịch là phẫu thuật thành công, hoặc vợ có bầu cũng là một dấu chứng phẫu thuật thành công.

3.Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của phẫu thuật nối ống dẫn tinh

Ngoài việc phải dựa vào trình độ của phẫu thuật viên thì khoảng thời gian từ lúc bệnh đến sự thành bại của phẫu thuật nối ống dẫn tinh. Thời gian càng ngắn thì cơ hội càng nhiều. Nếu dưới 3 năm thì cơ may ống thông trở lại là trên 90%, khoảng 8 năm thì khả năng này còn 70%, còn từ 15 năm trở lên thì tỉ lệ này giảm xuống, chỉ còn 30%.

Vì sao thời gian lại ảnh hưởng quan trọng đến kết quả phẫu thuật? Không có gì khó lý giải, chẳng qua bệnh nhân có thời gian cột càng lâu thì càng lớn tuổi. Cũng như mọi cơ quan khác, tinh hoàn của người lớn tuổi không còn khỏe như hồi trẻ nữa, tinh trùng tạo ra sẽ ốm yếu hơn. Ngoài ra tinh hoàn đã yếu lại còn yếu hơn do bị cột lâu, tinh trùng bị ứ lại trong tinh hoàn khiến các tế bào tạo tinh trùng bị hư hạu. Tinh trùng bị yếu còn do sự xuất hiện kháng thể chống tinh trùng sau khi cột ống dẫn tinh. Kháng thể này coi tinh trùng là “vật lạ”, như vi trùng, virus nên tiêu diệt luôn. Sau khi nối ống dẫn tinh, lượng kháng thể này sẽ giảm dần, cho nên có người phải 2-3 năm sau tinh trùng mới mạnh lên bình thường để có thể có con.

Sau cùng nếu lỡ nối mà không thông, hay thông được nhưng tình trùng yếu quá không thể có con tự nhiên thì những người đã triệt sản vẫn còn hy vọng có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ICSI, với tinh trùng hoặc lấy từ trong tinh dịch, hoặc được hút ra từ mào tinh hoàn.

4.Tổng hợp một số câu hỏi về nối ống dẫn tinh

– Vì sao ống dẫn tinh bị tắc?

Ngoài lý do triệt sản gây tắc chủ động thì ống dẫn tinh và mào tinh có thể bị tắc bởi những lý do khác. Đứng hàng đầu là nhiễm trùng đường sinh dục. Ống mào tinh có đường kính 0,15mm, còn ống dẫn tinh có đường kính 0,3mm, rất nhỏ, nên khi ống dẫn tinh và mào tinh bị viêm nhiễm thì rất dễ bị sẹo làm tắc. Chlamydia và vi trùng lao là hai con vi trùng thường gây tắc ống dẫn tinh nhất. Kế đến là những trường hợp tắc do chấn thương, nhất là do y thuật. Ngoài ra cũng có những trường hợp tắc không rõ nguyên nhân.

– Tại sao tắc ống dẫn tinh lại gây khó có con

Không phải khó, mà là không có con tự nhiên được nếu tắc xảy ra cả hai bên, hoặc tắc một bên nhưng tinh hoàn bên kia bị hư, không tiết tinh trùng ra nữa. Tắc làm tinh trùng không ra ngoài được, nằm lại bên trong tinh hoàn, mào tinh và tự chết ở trong đó.

– Tỉ lệ thành công của phương pháp nối ống dẫn tinh trong điều trị chữa vô sinh?

Theo bác sĩ Belker (người Mỹ, chuyên về vi phẫu nối ống dẫn tinh) sau khi tổng kết 1.469 trường hợp nối ống dẫn tinh với ống dẫn tinh bằng vi phẫu thuật cho thấy: tỉ lệ thành công (có tinh trùng trở lại trong tinh dịch) là 97% nếu thời gian triệt sản không quá 3 năm, 71% nếu là triệt sản dưới 15 năm, tỉ lệ có thai sau nối là 30-76%. Còn trong trường hợp vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh với mào tinh thì tỉ lệ thành công là 63 -92%, tỉ lệ có thai là 21-38%

Sự thành công của phẫu thuật tùy thuộc vào 2 yếu tố quan trọng là tay nghề của bác sỹ (bác sỹ nào mổ nối ống dẫn tinh càng nhiều thì tỉ lệ bệnh nhân mổ càng cao) và thời gian tắc (tắc càng lâu thì tỉ lệ thành công càng giảm). Còn khả năng có thai thì tùy thuộc vào tuổi của người vợ.

– Bác sĩ đã thực hiện bao nhiêu trường hợp phẫu thuật này? Ông có thể kể một vài trường hợp đáng nhớ nhất?

Tính tới năm 2011, tôi đã thực hiện khoảng 200 trường hợp nối ống dẫn tinh sau triệt sản khoảng 500 trường hợp nối ống dẫn tinh với mào tinh.

Trường hợp đầu tiên tôi áp dụng vi phẫu thuật để nối ống dẫn tinh sau triệt sản là một người quen của bà chị, thực hiện năm 1999. Anh này đã đã có con, triệt sản, rồi ly dị vợ. Sau 7-8 năm, anh lấy vợ lần hai. Sau mổ 4 tháng, vợ anh đã có thai và sinh ra một cháu gái. Một trường hợp khác, bệnh nhân triệt sản đã 22 năm và cũng có vợ lần hai, được tôi mổ nối lại, sau hơn 1 năm thì vợ chồng có tin vui. Có trường hợp bệnh nhân là bác sĩ, bị tắc mào tinh, tôi nối ống dẫn tinh với mào tinh lần đầu không thành công. Vợ chồng anh ấy đi làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được hút từ mào tinh cũng không đem lại kết quả gì. Mãi đến khi mổ nối lần thứ 2 mới được, và sau 4 tháng vợ anh có thai, sinh một bé trai.

Có một trường hợp mà tôi nhớ mãi, và thực sự khâm phục sự kiên trì của họ. Hai vợ chồng này đã chữa nhiều nơi không có kết quả, đến khi khám kỹ mới phát hiện ra anh không có tinh trùng là do bị tắc. Mổ nối lần đầu không thành công, vợ chồng tiếp tục đi làm thụ tinh trong ống nghiệm hai lần nữa, cũng đều thất bại. Không nản lòng, anh gặp tôi yêu cầu… mổ nữa. Đến lần thứ 2 này thì thành công sau khi tôi mổ nối lại ống dẫn tinh với mào tinh. Nhưng hơn 1 năm sau, tinh trùng tuy rất nhiều (trên 50 triệu con/ml) nhưng lại yếu (di động = 0%). Lần thứ 3, tôi lại mổ cho anh, cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên. 6 tháng sau tinh trùng tốt hẳn và vợ anh có thai tự nhiên, đã sinh được một bé trai (anh ấy 51 tuổi, còn vợ đã ngoài 40).

Một trường hợp nữa, cặp vợ chồng này là Việt kiều Mỹ. tình yêu họ dành cho nhau và sự quyết tâm có con của họ làm tôi ngả mũ. Tôi mổ lần đầu thất bại, họ làm ống nghiệm 2 lần cũng thất bại. Mổ lần thứ 2 thì thành công nhưng khoảng 1 năm sau thì chỗ nối bị tắc lại. Tôi mổ cho người chồng lần thứ 3 theo kỹ thuật khâu lồng ống mào tinh vào ống dẫn tinh thì mọi thứ mới ổn, kết quả là họ đã có một cháu gái xinh xắn.

Một cặp khác, chồng phải ghép thận do bị suy thận. Tôi mổ nối ông dẫn tinh với đầu mào tinh (kỹ thuật này rất khó thực hiện) thành công, nhưng tinh trùng ông chồng thì có lúc lên trên 20 triệu con/ml, có lúc tuột luốt chỉ còn 1-2 triệu con/ml. Mãi gần 2 năm sau, vợ mới có thai tự nhiên.

– Điều gì làm bác sĩ trăn trở khi là người nối những hy vọng này?

Kỹ thuật. Trước đây, ở Việt Nam chưa ai thực hiện nối ống dẫn tinh với mào tinh bằng vi phẫu cả, nên tỉ lệ thành công không cao. Tuy nhiên khi tôi đi học nước ngoài, rồi đọc sách báo chuyên ngành, thấy người ta làm được nên tôi cũng quyết tâm làm, và đã thành công.

Một điều may mắn là đa số bệnh nhân của tôi đều tin bác sỹ và rất kiên nhẫn. Rất nhiều người từng thất vọng vì những lần thử tinh trùng đầu tiên đều cho kết quả….zero. Khi giấy thử tinh báo có vài con thì họ bắt đầu nuôi hy vọng, dù đó chỉ là tinh trùng… chết. Những lần thử sau, tinh trùng mạnh dần lên, nhiều cặp vợ chồng ôm nhau khóc vì mừng ngay tại phòng khám của tôi. Một thời gian sau, tôi nhận được tin nhắn “cháu…, sanh lúc…được..kg…”. Lúc đó, tôi mới thấy nhẹ cả người.

– Bác sĩ có lời khuyên gì cho những bệnh nhân nối ống dẫn tinh trong hành trình tìm con?

Các ống chồng nếu rơi vào trường hợp bị cột hay tắc ống dẫn tinh nên mạnh dạn thực hiện vi phẫu thuật, vì nó rất an toàn, chỉ có thằng hoặc huề chứ không thua